Thời gian ơi xin hãy trôi chậm lại
Trái đất ơi xin hãy quay ngược vòng
Bạn bè ơi xin nhớ nhau mãi mãi
Để tiếng cười vang mãi trên môi

..

NỮ THẦN LAKSHMI

sinh viên thực hiện:Vũ Thu Thảo  k54 Ấn Độ học



Nữ thần Lakshmi là vị thần của sự giàu có, thịnh vượng (cả về vật chất và tinh thần), sự thông thái, may mắn, sự sinh sôi nảy nở, rộng lượng, can đảm và là hiện thân của vẻ đẹp, duyên dáng. Người ta tin rằng Nữ thần Lakshmi mang đến may mắn cho những người thờ phụng Ngài và bảo vệ họ tránh khỏi tất cả những khổ đau và nghèo đói.

Nữ thần Lakshmi trong tiếng Sanskrit được bắt nguồn từ chữ “lakS” có nghĩa là “lĩnh hội, nhận thức”. Nó đồng nghĩa với “laksya” nghĩa là “mục đích”. Bởi vậy, Lakshmi đại diện cho những mục đích của cuộc sống bao gồm cả thế giới trần tục cũng như sự thịnh vượng về tinh thần. Trong thần thoại Hindu, Nữ thần Lakshmi - còn được gọi là Shri – là vợ của thần Vishnu mang đến cho Ngài sự sung  túc để duy trì và bảo tồn sự sáng tạo.

1. SỰ MÔ TẢ VỀ NỮ THẦN LAKSHMI:

Trong những bức tranh, Nữ thần Lakshmi được mô tả dưới hình dạng một người phụ nữ vẻ mặt nhân từ, có 4 cánh tay. Bà mặc trang phục màu đỏ với trang sức bằng vàng đang đứng trên một đài hoa sen, trên tay cầm rất nhiều đồng tiền vàng và bông hoa sen. Hai con voi (trong một số bức tranh là bốn) đứng bên cạnh Người. Tập hợp những biểu tượng này đều có ý nghĩa về mặt tinh thần:
Ÿ Bốn cánh tay đại diện cho bốn hướng trong không gian thể hiện rằng Người hiện diện ở tất cả mọi nơi. Màu đỏ tượng trưng cho sự tích cực hoạt động. Trang sức vàng biểu thị sự thịnh vượng. Ý nghĩa tập trung trong những biểu tượng này là Nữ thần Lakshmi luôn ban tặng sự giàu có và thịnh vượng cho những ai thờ phụng Người. Đài hoa sen mà Nữ thần Lakshmi đứng thể hiện rằng con người ta khi đang sống trong thế giới này nên hưởng thụ sự giàu có nhưng không được để nó ám ảnh cuộc sống của mình. Một cuộc sống như vậy giống như bông hoa sen lớn lên trong nước nhưng không bị ướt bởi nước.
Ÿ Bốn bàn tay đại diện cho bốn giai đoạn trong cuộc sống con người: Dharma ( bổn phận), kama ( những ham muốn chân thực), artha ( sự giàu có), và moksha ( sự giải thoát). Hai bàn tay phía trước đại diện cho sự hoạt động trong thế giới vật chất, hai bàn tay phía sau chỉ ra hoạt động trong thế giới tinh thần để có thể dẫn tới sự hoàn thiện về tâm hồn.
Ÿ Bởi vì những bộ phận cơ thể biểu thị cho hành động nên một bông hoa sen trong bàn tay phải phía sau thể hiện ý nghĩa rằng con người phải thực hiện tất cả những bổn phận trong cuộc sống theo Dharma. Điều đó có thể dẫn tới Moksha ( sự giải thoát) được biểu thị bằng một bông hoa sen trong bàn tay trái phía sau. Những đồng tiền vàng đang rơi xuống đất từ bàn tay trái phía trước mô tả việc Người sẽ trao tặng sự giàu có và thịnh vượng cho những ai thờ phụng Người. Bàn tay phải phía trước thể hiện sự ban phước.
Ÿ Hai con voi đứng bên cạnh Nữ thần biểu thị cho tên tuổi và sự nổi tiếng liên quan tới sự giàu có trần tục. Ý tưởng tập trung ở đây là những tín đồ thực sự không nên chỉ kiếm tìm sự giàu có để có được tên tuổi và tiếng tăm hoặc chỉ để thỏa mãn niềm đam mê vật chất tầm thường mà nên chia sẻ nó để đem tới hạnh phúc cho cả những người khác.
Một số bức tranh có hình bốn con voi đang phun nước từ những bình nước bằng vàng vào Nữ thần Lakshmi . Bốn con voi đại diện cho bốn giai đoạn trong cuộc sống con người như đã nói ở trên. Việc phun nước biểu thị cho sự cần mẫn. Những bình nước bằng vàng tượng trưng cho sự thông thái và tinh khiết. Bốn con voi đang phun nước vào người Nữ thần mô tả ý nghĩa rằng bên cạnh việc thực hiện bổn phận theo Dharma, con người ta phải không ngừng tự mình nỗ lực, điều đó có thể đưa đến sự thịnh vượng cả về vật chất và tinh thần.
Nữ thần Lakshmi còn được biết đến như Shri, được nhân cách hóa không chỉ như là Nữ thần của sự may mắn và giàu có mà còn là biểu tượng của tình yêu, sự duyên dáng, quyến rũ. Bà được thờ phụng như một Nữ thần, người ban cho cả sự thịnh vượng trần thế cũng như sự giải thoát khỏi vòng sinh tử. Truyền thuyết kể rằng Nữ thần Lakshmi bay lên khỏi Biển Sữa, biển vũ trụ ban sơ, trên tay cầm một bông hoa sen màu đỏ. Bộ ba thần thánh – Brahma, Vishnu và Shiva (thần sáng tạo, thần bảo vệ và thần hủy diệt)- đều muốn có được nàng. Nhưng thần Shiva đã kết hôn với thần Mặt trăng, thần Brahma đã có Saraswati bởi vậy thần Vishnu đã nhận nàng làm vợ và nàng được tái sinh thành vợ trong tất cả mười lần hóa thân của Ngài. Nàng trở thành một người vợ kiên định, trung thành. Khi nấu ăn ở đền  Jagannatha ở Puri, nàng chuẩn bị thức ăn cho chồng và những tôn đồ của Ngài. Trong một số bức tranh nổi tiếng được khắc trong những hang động Badami ở khu vực Trung Ấn mô tả nàng ngồi dưới đất bên cạnh nơi chồng mình đang nằm nghỉ trên ngai vàng và dựa vào Ngài; đây là một hình mẫu về sự đúng đắn, đoan trang của người phụ nữ trong xã hội.
Nét đặc trưng nhất trong hình tượng của Nữ thần Lakshmi chính là sự hiện diện của bông hoa sen. Ý nghĩa của hoa sen trong mối quan hệ với Shri-Lakshmi đề cập tới sự tinh khiết và sức mạnh tinh thần. Được mọc lên từ bùn đất nhưng nở hoa trên mặt nước, hoàn toàn không bị ô nhiễm bởi bùn đất, bông hoa sen đại diện cho quyền lực và sự hoàn thiện về tâm hồn. Hơn thế nữa, đài hoa sen là một chủ đề phổ biến trong các mô tả của đạo Hindu và đạo Phật. Phật Tổ và những vị Bồ Tát thường ngồi hoặc đứng trên đài hoa sen. Việc được đặt ngồi trên đài hoa sen hoặc có mối liên hệ tới hoa sen thể hiện vị thế của các vị thần, Phật hoặc con người đã vượt ra khỏi giới hạn của thế giới trần tục ( nơi mà bùn đất tồn tại) và trôi nổi trong thế giới của tinh thần cao khiết. Bởi vậy, Shri-Lakshmi đại diện nhiều hơn cả sức mạnh sinh sôi của Đất Mẹ, sức mạnh phát triển huyền bí.Người thể hiện một sự hoàn thiện hoặc trạng thái tinh khiết của cả quyền lực vật chất và tinh thần. Hoa sen, trong mối quan hệ với Nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sự nở hoa của cuộc sống.

2. TRUYỀN THUYẾT VÀ THẦN THOẠI:
2.1. Sự tái sinh của Nữ thần Lakshmi:

Một trong những câu truyện được nhiều người biết đến nhất trong thần thoại Hindu là Khuấy Biển Sữa.Truyền thuyết kể về việc các vị thần chống lại bọn quỷ dữ và cuộc chiến của họ để giành lấy sự bất tử. Truyền thuyết này cũng kể về sự tái sinh của Nữ thần Lakshmi. Indra, vị thần chiến tranh, được giao trọng trách bảo vệ thế giới chống lại quỷ dữ. Trong rất nhiều năm, Ngài đã bảo vệ thành công và sự hiện diện của Nữ thần Lakshmi càng làm cho Ngài cảm thấy chắc chắn về điều đó. Một ngày, có một nhà hiền triết lỗi lạc đã tặng cho thần Indra một vòng kết bằng loại hoa linh thiêng. Vì tính cách kiêu ngạo, thần Indra đã ném vòng hoa xuống đất. Theo niềm tin trong Hindu giáo, hành động này là một sự xúc phạm đối với Nữ thần Lakshmi. Bởi vậy, nàng đã rời bỏ thế giới của các vị thần và ẩn mình trong Biển Sữa. Không có nàng, các vị thần mất dần sự thành công và may mắn. Thế giới trở nên đen tối hơn, con người tham lam hơn và không lời cầu nguyện nào được đáp lại. Các vị thần bắt đầu mất dần sức mạnh và quỷ dữ nắm quyền kiểm soát thế giới. Thần Indra đã hỏi ý kiến thần Vishnu nên làm gì. Ngài nói với Indra rằng các vị thần cần phải khuấy Biến Sữa để mang Nữ thần Lakshmi và sự may mắn của nàng trở lại. Sau đó Ngài còn nói trong Biển Sữa có cất giữ nhiều vật báu khác. Đó là một loại thuốc trường sinh có thể đem đến sự bất tử, điều đó cho phép các vị thần đánh bại quỷ dữ. Truyền thuyết Khuấy Biển Sữa kể về chuyện làm thế nào các vị thần có thể hợp tác cùng với nhau. Họ đã khuấy Biển Sữa trong rất nhiều năm, khoảng 1000 năm trước khi có bất cứ điều gì xảy ra. Cuối cùng, những vật báu bắt đầu bay lên khỏi mặt biển. Giữa những thiên thể đó là một người phụ nữ tuyệt đẹp đang đứng trên một bông hoa sen. Đó chính là Nữ thần Lakshmi, nàng đã trở lại thế giới. Với sự hiện diện của nàng, quả thật các vị thần đã đánh bại được quỷ dữ và đuổi chúng ra khỏi thế giới. Truyền thuyết này nhấn mạnh sự may mắn và thành công mà Nữ thần Lakshmi ban tặng cho những ai làm việc nỗ lực và tìm kiếm sự giúp đỡ một cách chân thành. Câu chuyện cũng dạy con người ta rằng trong suốt thời gian thành công không bao giờ được phép trở nên tự mãn và kiêu ngạo bởi vì sự thành công có cách riêng của mình để rời khỏi những người như vậy.
2.2. Một số hóa thân:
Mặc dù không có nhiều tài liệu nói về những hóa thân của nữ thần Lakshmi nhưng thần thoại đã đưa vào nhiều truyền thuyết khác nhau về những nơi mà Nữ Thần Lakshmi được sinh ra dưới những tên gọi khác nhau.
2.2.1. Vedavati:
Ngày xưa, có 1 vị vua tên là Rathadhwaja. Mặc dù gia đình ông đã có truyền thống thờ Nữ thần Lakshmi từ rất lâu nhưng vì thái độ bàng quan nhà vua đã từ bỏ việc thờ cúng Nữ thần. Hậu quả là ông đã đánh mất những đặc ân của Nữ thần Lakshmi. Trong các cuộc chiến, quân đội bị đánh bại và Rathadhwaja mất vương quốc của mình.

Rathadhwaja có hai người con trai: Kushadhwaja và Dharmadhwaja. Cả hai đều nuối tiếc vì sai lầm mà cha mình đã gây ra. Họ thực hiện lễ xá tội rất nghiêm ngặt, ngồi thiền vì Nữ thần Lakshmi. Khi bà xuất hiện họ cầu nguyện “hãy ban phước cho chúng con để chúng con có thể giành lại được vương quốc của mình. Hãy ban cho chúng con một ân huệ bằng cách đầu thai thành con gái của chúng con”. Nữ thần Lakshmi dã ban cho họ những đặc ân đó. Họ đã chiến đấu dũng cảm, giành lại được vương quốc và có một cuộc sống hạnh phúc.
Nữ thần Lakshmi thực hiện đặc ân bằng cách chui vào tử cung của Malavati (vợ của Kushadhwaja) dưới dạng bào thai và được sinh ra như một bé gái. Truyền thuyết kể lại rằng kể cả trong khoảng thời gian sinh nở bà vẫn đang đọc kinh Vêđa một cách rõ ràng. Do vậy, bố mẹ mới đặt tên là ‘Vedavati’. Kushadhwaja chăm sóc và nuôi dưỡng nàng với một tình cảm sâu nặng. Vedavati lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, đạo đức. Đến tuổi lấy chồng, cả các vị thần và quỷ đều muốn cưới nàng làm vợ nhưng nàng không chấp nhận bất cứ ai. Nàng đi tới Pushkara ( một nơi hành hương) và thực hiện việc tu hành nghiêm ngặt, cầu nguyện  thần Vishnu trở thành chồng của mình.Việc cầu nguyện và tu hành diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Rồi một ngày, có tiếng nói từ trên trời cao vọng xuống: “Vedavati, ngươi phải đầu thai một lần nữa, trong kiếp thứ hai của ngươi Vishnu cũng sẽ được đầu thai và ngài sẽ trở thành chồng của ngươi”. Sau đó Vedavati tiếp tục thực hiện việc tu hành của mình mà không hề mất đi niềm tin.
Ravana ngồi trên chiếc xe ngựa kéo, PUSPAK, đang trên đường tới đó. Hắn nghĩ rằng việc một vị khách tới thăm ở một nơi hiu quạnh như vậy Vedavati sẽ rất hiếu khách với mình. Sau đó, Ravana hỏi nàng về cuộc sống. Vedavati trả lời rằng: “ Tôi là con gái của đức vua Kushadhwaja. Tên tôi là Vedavati. Tôi đang thực hiện việc tu hành với mong muốn rằng Sriman Narayana trở thành chồng của tôi”. Khi nghe thấy điều đó, Ravana cười nhạo và nói: “Nàng, một cô gái trẻ đẹp, thực hiện việc tu hành? Nàng nói về Narayana! Hắn là ai? Hắn có giàu có như ta không? Có khỏe như ta không? Ta là Ravana, quốc vương của xứ Lanka. Hãy kết hôn với ta và nàng sẽ được hưởng giàu sang, phú quý. Vedavati đáp lại: “ Ravana, xin ông đừng nói vậy. Narayana nghĩa là Chúa tể của vũ trụ, Vishnu. Sao ông dám lăng nhục Ngài. Đó là một tội lỗi vô cùng lớn”. Nhận ra rằng nàng không phải là người dễ dàng bị thuyết phục, Ravana giữ lấy đầu nàng và kéo nàng bằng tóc. Bị chọc giận Vedavati ngay lập tức dùng tay cắt đứt tóc mình. Bởi vì ảnh hưởng của việc tu luyện tay của nàng có thể cắt đứt tóc giống như một thanh kiếm. Nàng quay lại nhìn Ravana và nói rằng: “ Ngươi, đồ vô lại, ngươi đang ép buộc ta hả? Sự đụng chạm của ngươi đã làm vấy bẩn thân thể ta. Hãy nhìn đi, bây giờ, chính ta sẽ hủy bỏ thân xác mình, ta sẽ đầu thai thành con gái của một người giàu đạo đức khác và chính ta sẽ là nguyên nhân gây ra cái chết của người. Ngay lập tức nàng nhảy vào một ngọn lửa gần đó và từ bỏ cuộc sống hiện tại của mình. Ravana trở lại Lanka, kiệt quệ vì đau buồn.

2.2.2. Sita:

Vedavati sau đó được đầu thai thành con gái của vua Janaka. Nhà vua đặt tên cho nàng là Sita. Vào thời gian đó Dasharatha đang trị vì Ayodhya. Kausalya, vợ của vua Dasharatha sinh ra Vishnu và trở nên nổi tiếng như là Sri Rama. Chàng đi cùng với nhà hiền triết Vishwamitra tới thủ đô của Janaka và đã bắn được tên từ cây cung của thần Shiva. Sau đó vua Janaka, vì ngưỡng mộ sự dũng cảm của Sri Rama nên đã gả Sita cho chàng. Thời gian trôi qua, Sri Rama theo lệnh của vua cha phải đi tới Dandakaranya cùng với Sita và Lakshmana. Trong khi đang sống ở đó, Ravana đã gian xảo bắt mất Sita đưa về Lanka. Sri Rama đã tới Lanka cùng với Sugreeva, Hanumanta và những chiến binh khỉ khác đánh vào Lanka. Trong trận chiến khủng khiếp đó, Sri Rama đã giết chết Ravana. Sau đó, Sita đã trở về Ayodhyta cùng với Sri Rama. Câu chuyện này được kể chi tiết trong sử thi Ramayana.

2.2.3. Tulasi:

Mặt khác, Nữ thần Laskmi được Madhavi (vợ của Dharmadhwaja) sinh ra. Cha mẹ đặt tên nàng là Tulasi. Nàng lớn lên vô cùng sinh đẹp và đạo đức. Sau đó, nàng kết hôn cùng thần Vishnu. Vishnu nói: “ Nàng hãy rời bỏ thân xác này để chung sống cùng ta. Hãy để thân xác nàng trở thành dòng sông Gandaki. Ta sẽ là phiến đá Saligrama nằm trong lòng sông Gandaki. Hãy để mái tóc nàng mọc thành một loại cây mang tên Tulasi được mọi người thờ phụng. Ta thích một chiếc vòng được kết từ loài hoa Tulasi”.
Cơ thể của Tulasi chảy hòa vào dòng sông Gandaki. Narayana trở thành một phiến đá nằm dưới dòng sông. Cây Tulasi mọc lên từ mái tóc của Tulasi và trở thành một loại cây thiêng liêng.
2.2.4. Rukmini:
Ngày xưa có một ông vua tên là Bhishmaka trị vì vương quốc Vidharbha. Ông có năm người con trai lần lượt tên là Rukmi, Rukmaratha, Rukmabahu, Rukmakesha và Rukmamali. Sriman Narayana được sinh ra để diệt trừ Kansa và nhằm mục đích thiết lập nền đạo đức. Ngài được sinh ra dưới tên gọi Krishna, Nữ thần Laskmi sinh ra là Rukmini, con gái của Bhishmaka. Nàng vô cùng xinh đẹp và đạo đức. Vua cha Bhishmaka không chỉ nể sợ các vị thần mà còn có một niềm kính trọng lớn lao dành cho Sri Krishna. Ông muốn gả con gái Rukmini cho Sri Krishna.

Nhưng con trai cả của Bhishmaka là Rukmi không đồng ý cuộc hôn nhân này. Hắn gia nhập vào một hội ác được thành lập bởi Shishupala và những người khác. Hắn gây áp lực cho vua cha để ép em gái mình Rukmini phải cưới Shishupala. Vì Rukmi căm ghét Sri Krishna nên hắn không đồng ý có bất cứ mối quan hệ nào với Ngài. Bhishmaka không đủ mạnh mẽ để phớt lờ lời xúi giục của hắn.
Đám cưới của Rukmini với Shishupala được ấn định. Nhưng Rukmini vì đã nghe tới sự vĩ đại và tính cách lương thiện của Sri Krishna nên về mặt tính cảm nàng đã hoàn toàn coi Ngài như là chồng của mình. Nàng đã nhờ một người đưa tin tới Dwaraka rằng nàng sẽ kết hôn với Krishna: và nếu không lấy Krishna nàng sẽ hiến tặng cuộc sống của mình. Sri Krishna cũng nghe được về tính cách của Rukmini, đạo đức và xinh đẹp. Chàng cũng muốn cưới được nàng làm vợ. Bởi vậy, ngay lập tức chàng lên đường tới vương quốc của Bhishmaka. Balarama biết được rằng anh trai đi một mình nên nhanh chóng đem theo một đạo quân để giúp đỡ chàng.
Tại kinh đô của Vidharbha, tất cả những sắp xếp đã được chuẩn bị cho hôn lễ của Rukmini. Shishupala đã đến cùng với những người bạn của hắn là Jarasandha, Salva, Paundraka và một số người khác. Balarama và Krishna cũng đã tới. Balarama cho đội quân của mình đóng cách xa kinh thành.
Sau khi những nghi lễ của đám cưới bắt đầu. Rukmini đi cùng đoàn tùy tùng tới đền để làm lễ Gowri. Nàng thờ cúng Gowri và cầu nguyện: “ Hãy để Sri Krishna trở thành chồng của ta.” Nàng không hề biết rằng Krishna đã tới kinh thành, nàng lo lắng về những chuyện sẽ đến. Rukmini hoàn thành lễ thờ Gowri và bước ra khỏi đền. Ngay lập tức Sri Krishna đánh xe của mình, nhấc nàng lên xe và tiến thẳng về Dwaraka. Jarasandha và những kẻ khác khi biết chuyện xảy ra vô cùng tức giận đã đuổi theo Sri Krishna. Một cuộc chiến khủng khiếp diễn ra. Krishna và Balarama đánh bại tất cả và trở về Dwaraka.
Sau đó, đám cưới của Sri Krishna và Rukmini được tổ chức long trọng tại Dwaraka. Rukmini trở thành hoàng hậu. Nàng hạ sinh con trai đặt tên là Pradyumna.

2.2.5. Padmavati

Khi vị hiền triết vĩ đại Bhrigu lên thiên đình thì Thần Vishnu đang ngủ trên mình rắn Adisesha. Vị hiền triết nổi giận và đá vào ngực của thần Vishnu. Sau đó thần thức dậy và nói: “ ồ, hiền triết, xin chào đón ngài. Xin lỗi. Ta chắc rằng ngón chân ngài chắc hẳn bị thương rồi vì nó đập vào bộ ngực rắn chắc của ta”. Thần Vishnu bóp chân và xoa dịu ông ta. Hiền triết Bhrigu vô cùng hài lòng và nói rằng: “Ngài đã xoa dịu tôi mà khồng hề mất bình tĩnh thậm chí ngay cả khi bị tôi đá. Ngài có bản chất tốt, ngài là người vĩ đại nhất”, rồi rời đi.
Tuy nhiên, vợ của Narayana là Lakshmi thì vô cùng thất vọng. “ Vị hiền triết đá vào ngực chàng nơi mà ta ở trong đó. Điều đó nghĩa là không tôn trọng ta. Không những không phạt ông ta mà chàng còn xoa dịu hắn. Ta không thể ở trong ngực chàng nữa,” nàng quyết định vậy, đi tới Kolhapur và sống ở đó. Cho tới một ngày ngôi đền của Mahalaskmi ở Kolhapur trở lên linh thiêng.
Khi Nữ thần Lakshmi rời đi, thần Vishnu vô cùng buồn bã. Ngài đi từ Vaikuntha tới Tirupati và sống ở Venkatadri dưới cái tên Venkatesha.
Akasharaja, vua của vương quốc Chola, là người không có con cái. Thầy dạy khuyên nhà vua thực hiện một nghi lễ tôn giáo để có thể có con. Nhà vua đồng ý và tự mình bắt đầu đào đất để dựng dàn tế lễ. Khi lưỡi cày xới vào mặt đất, một đóa hoa sen nhiều cánh hiện ra trong cánh hoa là một bé gái đang nằm. Một giọng nói từ trên trời vọng xuống: “ Nhà vua, cô gái này là hiện thân của sự may mắn. Hãy nuôi dưỡng và coi nàng như con gái của mình.” Nhà vua rất hài long, trao bé gái cho hoàng hậu của mình, Dharanidevi. Đứa trẻ được đặt tên là Padmavati. Được nuôi dạy trong tình yêu thương, nàng lớn lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp như ánh trăng non. Một ngày, khi Padmavati đang cùng bạn dạo chơi trong vườn thì hiền triết Narada tới. Ngắm nhìn Padmavati, ông nói: “ Ta biết nàng là ai. Nàng chính là Nữ thần Lakshmi. Bởi vì nàng không thể rời khỏi thần Vishnu nên nàng được tái sinh và đến đây. Ngài, dưới hình dạng của Venkatesha sống ở Tirupati đang rất đau khổ khi chia xa nàng. Trong vòng một thời gian nữa, hai người sẽ kết hôn.” và ông rời đi. Venkatesha thật sự đã thu hút Padmavati, một ngày khi nàng đang dạo chơi một mình trong vườn thì Venkatesha đến và gặp nàng. Hai người ngày càng thân thiết và tình yêu dần dần lớn lên. Khi Akasharaja biết chuyện, nhà vua rất vui mừng chấp nhận cuộc hôn nhân giữa hai người. Vì sự nhiệt tình của Venkatesha, thần Brahma và các vị thần khác đã đến tham dự lễ cưới. Hôn lễ được tổ chức vô cùng long trọng. Bởi vì Nữ thần Lakshmi vĩnh viễn sống ở Tirupati trên ngực của Venkatesha nên ngài đã lấy tên là Srinivasa (người mà trên cơ thể có một vị thần cư ngụ).

3. LAKSHMI MANTRAS:

"Sarvagyay Sarvavarday Sarvadushtbhaydkree
Sarvadukhaharay Devi Mahalakshmi Namostutay"

Nghĩa là: O Maa Lakshmi, Người biết tất cả mọi thứ, Người ban phước cho tất cả chúng con, Người là nỗi khiếp sợ của quỷ dữ và khả năng của Người có thể xua đi mọi nỗi đau. O Nữ thần tốt lành, con cúi đầu trước Người

"Siddhi Buddhipraday Devi Bhuktimuktipradayeenee
Mantramurtay Sada Devi Mahalakshmi Namostutay"

Nghĩa là: O Nữ thần linh thiêng mang đến trí tuệ và thành công. Người trao tặng cả niềm vui và tự do cho toàn bộ thế giới. Những biểu tượng âm thanh màu nhiệm – Mantras, chứa đựng sự ngưỡng mộ thực sự trước vẻ duyên dáng của Người. Mẹ tốt lành, con cúi đầu trước Người.
"Aadhantarhitay Devi Aadhshakti Maheshwari
Yogajay Yogasambhutay Mahalakshmi Namostutay"

Nghĩa là: O Mẹ tối thượng, khả năng của Người không có khởi đầu và cũng không có kết thúc. Khả năng của Người là sức mạnh nguyên sơ. Khả năng của Người có được nhờ tu luyện Yoga và khả năng của Người được hiển hiện qua Yoga. Người mẹ của hi vọng, con cúi đầu trước Người.
"Sthulsukshmay Maharodray Mahashakti Mahodray 
Mahapaapharay Devi Mahalakshmi Namostutay"

Nghĩa là: Nữ thần Lakshmi, khả năng của Người lớn lao và huyền diệu, khủng khiếp nhất và mạnh mẽ nhất. Người chứa đựng tất cả mọi thứ và rửa sạch được cả những tội lỗi khủng khiếp nhất.Mẹ tốt lành, con cúi đầu trước Người.
"Padnaasanstithay Devi Parbrahmaswaroopeenee
Parmashree Jaganmatra Mahalakshmi Namostutay"

Nghĩa là: Maa Lakshmi, Người sống trong trái tim của những tôn đồ và chứng minh khả năng cua một vị thần quyền năng. Người là mẹ của toàn bộ vũ trụ. O Mẹ vĩ đại, con cúi đầu trước Người.

4. SỰ THỜ PHỤNG NỮ THẦN LAKSHMI TRONG ĐỜI SỐNG:

Người Ấn Độ tin rằng bất cứ ai thờ phụng Nữ thần Lakshmi một cách chân thành, không tham lam thì sẽ được ban tặng thành công và sự may mắn. Người ta nói Nữ thần Lakshmi cư trú ở những nơi có sự nỗ lực, chăm chỉ, đạo đức và can đảm nhưng Người sẽ rời đi bất cứ khi nào những tiêu chuẩn đó không được đáp ứng. Đặc biệt, Nữ thần Lakshmi được thờ phụng trong suốt dịp lễ Diwali. Lễ hội này được tổ chức để tôn vinh một sự kiện trong sử thi Ramayana. Ramayana là truyền thuyết về trận chiến giữa thần Rama với con quỷ Ravana trong đó Lakshmi là nhân vật tiêu biểu. Trong sử thi này, Sita kết hôn với thần Rama và người Hindu tin rằng Sita chính là một hóa thân của Nữ thần Lakshmi. Truyền thuyết kể rằng Rama đã bị đuổi khỏi vương quốc và phải sống trong rừng sâu với vợ và người em trai. Trận chiến giữa Rama và con quỷ Ravana bắt đầu khi Ravana dùng mưu lừa bắt mất Sita ở trong rừng. Bản trường ca đi theo câu chuyện Rama đánh bại Ravana và trở lại vương quốc của mình. Khi ba người anh hùng, Rama, người em trai Lakshma và Sita trở về nhà, mọi người thắp nến để dẫn đường cho họ trong bóng tối. Để tôn vinh sự kiện này, vào ngày thứ hai của lễ Diwali, mọi người thường đốt nến trong nhà, mở cửa để dẫn đường cho Nữ thần Lakshmi với hi vọng rằng Người sẽ ban tặng may mắn cho gia đình của mình vào dịp năm mới. Sau nghi lễ thờ cúng Nữ thần Lakshmi vào dịp Diwali, nhiều trò chơi có phần thưởng được tổ chức vì người ta tin rằng Lakshmi đã ban phát may mắn cho họ. Thêm vào đó, hai ngày trước lễ Diwali, một lễ gọi là Dhantares được tổ chức để tìm kiếm phước lành từ Người. Trong thời gian này, họ thường mua vàng, bạc và bắt đầu công việc mới. Người Hindu thờ Nữ thần Lakshmi tại nhà cũng như trong đền, chùa. Thứ 6 được coi là ngày thuận lợi nhất cho việc thờ cúng.

5. Danh mục tài liệu tham khảo:
http://www.themystica.com/mythical-folk/articles/laksmi.html
http://www.webonautics.com/mythology/avataar_lakshmi.html
http://www.templenet.com/beliefs/lakshmi.htm
http://www.koausa.org/Gods/God6.html
http://www.bbc.co.uk/religion/religions/hinduism/deities/lakshmi.shtml


Photobucket

...